![]() |
Học sinh Nghĩa Đô (Bảo Yên) luyện khắp yếu trong giờ ngoại khóa. |
Theo lời giới thiệu của các bậc cao niên ở thôn Là, xã Xuân Thượng (Bảo Yên), chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Báu, 70 tuổi - người được bà con nơi đây gọi là “nghệ nhân” bởi bà có tiếng hát nhẹ nhàng, truyền cảm đi vào lòng người. Ngôi nhà sàn của bà Báu nằm khuất dưới những tán lá cọ sum sê, phía trước là khe suối nhỏ. Hôm chúng tôi đến, nhà bà Báu đang tổ chức lễ ăn cơm mới nên đầy ắp tiếng nói cười, tiếng hát khắp yếu. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu và nghe làn điệu khắp yếu, những thành viên tham gia lễ ăn cơm mới không chút e ngại, ngược lại càng vui vẻ hơn, ai cũng muốn kể cho chúng tôi nghe nét văn hóa trong làn điệu khắp yếu.
Lễ ăn cơm mới của gia đình bà Hoàng Thị Báu khá đơn giản gồm có cơm cốm và thịt vịt, hai món ăn truyền thống, không thể thiếu trong lễ ăn cơm mới của người Tày Bảo Yên. Sau vài chén rượu chúc tụng, bà Báu bắt đầu cất giọng hát ngọt ngào để tặng mọi người. Những câu hát lúc du dương, lúc trầm bổng, khi lại da diết với nội dung là lời cảm ơn của chủ nhà với bà con, làng xóm đã giúp gia đình cày cấy, gặt hái để có một mùa bội thu, thóc lúa đầy nhà… Những người biết khắp yếu thi thoảng cũng cất lên vài câu hát để đáp lại lời của bà Báu, những người không biết hoặc biết ít thì ngồi lắng nghe và cảm nhận ý nghĩa của từng lời hát. Cứ thế, chủ nhà và khách cùng hát, cùng ăn cốm, nhâm nhi chén rượu đến khi nhá nhem tối mới về.
Bà Hoàng Thị Báu tâm sự: “Khắp yếu có rất nhiều thể loại, nhưng chủ yếu là nói về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, làng xóm, tình yêu của con người với thiên nhiên, ca ngợi quê hương, đất nước... Khắp yếu không cần có nhạc cụ đi kèm, có thể thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi như trong mâm cơm, đám cưới, đám hỏi, ngày mùa… Trước đây, mỗi năm, làng tổ chức một lần khắp yếu với quy mô lớn, quy tụ nhiều nghệ nhân ở khắp nơi đến chung vui. Ngày nay, hình thức hát tập trung đó không còn, vì thế những làn điệu khắp yếu cũng không đặc sắc như ngày xưa, người thể hiện cũng không theo tuần tự, quy luật”.
Theo những người nghiên cứu và am hiểu về văn hóa Tày Bảo Yên, trong khi nhiều nét văn hóa khác của người Tày đang dần bị mất đi, thì khắp yếu vẫn tồn tại, bởi đây là loại hình diễn xướng dân gian, được lưu truyền bằng miệng. Có thể trong một giai đoạn nhất định, thế hệ trẻ không biết đến, nhưng chỉ sau vài lần được tiếp xúc, được nghe và cảm nhận nét độc đáo của khắp yếu, sẽ thích và học theo.
Hiện nay, khắp yếu được thể hiện và lưu truyền khắp các địa phương có người Tày sinh sống ở Bảo Yên, từ Tân Tiến, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Xuân Thượng đến Kim Sơn, Cam Cọn, Minh Tân, Điện Quan, với nhiều thể loại như khắp yếu tự do, khắp yếu theo nội dung bài thơ, bài trường ca, biến thể từ các bài hát ru, hát then và theo kiểu giao duyên, đối đáp, thi tài. Mạnh mẽ và sâu đậm nhất là khắp yếu giao duyên, người hát tuổi càng cao, tiếng yêu trong câu hát càng sâu sắc, mãnh liệt, tình tứ, thể hiện khát khao được sống, được yêu để kéo lại tuổi thanh xuân.
Bên cạnh đó, khắp yếu còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, có tác dụng khích lệ trong lao động, sản xuất, giáo dục hình thành nhân cách con người. Khắp yếu chỉ vận dụng trong việc vui chơi lành mạnh, không kiêng kỵ cấm đoán. Vì vậy, loại hình diễn xướng này vẫn được người Tày lưu truyền qua nhiều thế hệ và cần được bảo tồn để trở thành di sản văn hóa phi vật thể.
- Lớn mạnh vùng chè xuất khẩu Bảo Yên (16.10.2017)
- Khám phá nét văn hóa Nghĩa Ðô - Bảo Yên - Lào Cai (30.09.2017)
- Linh thiêng đên Bảo Hà (26.09.2017)
- Hát then bên dòng Nậm Luông (13.09.2017)
- Tưng bừng Lễ hội đền Bảo Hà (09.09.2017)
- Uy linh đền thờ Thần vệ quốc - Hoàng Bảy (09.09.2017)
- Tạm dừng tổ chức hội chọi trâu trong Lễ hội đền Bảo Hà năm 2017 (03.09.2017)