Giai thoại bên dòng Nậm Luông
Ngược về thượng nguồn, những khe nhỏ chảy từ các triền đồi cao và hợp lại thành dòng suối Nậm Luông tại thôn Thác Xa 1, xã Tân Tiến. Tại đây, dòng Nậm Luông bắt đầu trở nên dữ dằn với bao vực sâu, ghềnh thác. Chính vì thế, thác Tân Tiến trở nên đẹp và hùng vĩ một cách lạ thường với những cung bậc cảm xúc tạo bởi ba tầng thác. Dưới thác lại là sự hiền hòa đến kinh ngạc với cánh đồng rộng bao la; xa xa, những nếp nhà sàn của người Tày hiện ra sau những lũy tre bên bờ suối. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh thơ mộng cho vùng đất Tân Tiến.
Nhấp chén nước chè, cụ Hoàng Văn Công - cao niên của thôn Thác Xa 1 trầm ngâm hồi lâu rồi bảo: “Dòng suối Nậm Luông này kỳ bí lắm, không khác gì cái tay, cái chân của đồng bào mình đâu!”. Theo cụ Công, ngày xưa khi còn ở tuổi chăn trâu, cụ được nghe người ta kể lại rằng, ở suối Nậm Luông có một nàng tiên cá xinh đẹp. Nàng tiên cá có cách sống khác với người đời, ở trần, hát khắp yếu rất hay, lại khôn ngoan, nhanh nhẹn, xinh đẹp.
Mỗi tháng, nàng chỉ hiện lên ba lần vào các đêm 14,15 và 16 âm lịch để soi mình dưới ánh trăng. Rồi nàng ngồi trên tảng đá vàng sạch bóng, hát khắp yếu các bài trao duyên làm say mê lòng người (Thíps thĩ hai lấp lý pạc moõc lống cói/Thíps hả hai tâm tỏ khọp tồng khọp bản/Thân noọng tua Tiên dũ thủy cung tẩu nặm/Hiện khửns lỉn pão khắp yếu thỉnh nhân/. Theo tiếng Tày có nghĩa là: Mười bốn trăng lấp ló vén mây xuống nhòm/Mười lăm trăng tròn soi khắp mường, khắp bản/Thân em người tiên nơi thủy cung dưới nước/Hiện lên dạy khắp yếu cho người).

Theo người dân Tân Tiến, chính những câu hát khắp yếu của người Tày là do học được từ nàng tiên cá đó. Tuy nhiên, từ ngày nàng tiên cá biến mất, người Tân Tiến cũng không hiểu sao những bài hát then, hát khắp yếu của mình cứ mai một dần, rồi mất hẳn. Họ cho rằng, chính chàng Mong phàm tục đã làm mất thanh danh của nàng tiên cá nên đã bị trừng phạt và cả cộng đồng người Tày Tân Tiến cũng bị vạ lây. Ngày nay, thỉnh thoảng vẫn có người “yếu vía” nhìn thấy con thuồng luồng cụt đuôi xuất hiện. Tuy nhiên, đó chỉ là truyền thuyết, còn thực tế chưa có ai kiểm chứng được.
Bản sắc văn hóa Mường Luông
Sống bên con suối Nậm Luông chảy hiền hòa, vùng đất Nghĩa Đô là một trong những cái nôi của văn hóa người Tày. Còn theo các dấu vết, các cổ vật, như mảnh gốm sứ, mũi tên đồng, rìu đồng và những hòn đá có vết ghè đẽo khắp các triền núi, nơi nào cũng có dấu vết nền nhà, nơi ở của con người, lò bếp, chuồng nuôi… chứng tỏ đây là vùng đất có nhiều thế hệ người xưa cư trú. Theo lịch sử ghi lại, Mường Luông xưa là một vùng đất rộng lớn. Sau năm 1954, vùng đất Mường Luông được tách ra làm 3 xã, đó là: Tân Tiến, Nghĩa Đô và Vĩnh Yên. Tuy được tách ra nhưng nhìn chung, về phong tục, tập quán, nét sinh hoạt, sản xuất đều tương đồng nhau. Dần dần, theo thời gian và những biến cố lịch sử, các địa phương thuộc vùng đất Mường Luông xưa đã tạo dựng cho mình những nét văn hóa đặc sắc riêng về ngôn ngữ, cách làm nhà, trang phục, cưới xin…
Một trong những cao niên am hiểu về văn hóa Mường Luông hiện còn sống là ông Lương Văn Khoái, 82 tuổi, ở Nghĩa Đô. Đi dọc hai bên bờ suối Nậm Luông, tôi được nghe ông Khoái kể lại lịch sử của dòng suối này gắn liền với truyền thống văn hóa của người Tày nơi đây. Theo ông Khoái, dòng suối Nậm Luông cách đây hơn 20 năm trước, vào mùa khô cũng như mùa mưa đều có mực nước như nhau. Hằng năm, nước chảy hiền hòa và ít khi có lũ. Chính vì thế, ngày xưa người Tày đều chọn những vùng đất bằng phẳng và gần suối để dựng nhà sàn. Cũng vào thời điểm đó, suối Nậm Luông sản sinh ra nhiều loài cá và đến tận bây giờ đã trở thành đặc sản không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. “Vào mỗi buổi chiều, các bà, các mẹ sau khi làm xong việc đồng ruộng, lại xuống dòng suối này để tắm, giặt. Từng tốp thiếu nữ tóc dài đến hông, mặc váy thay cho áo, dàn hàng ngang bên suối gội đầu. Còn cánh đàn ông khỏe mạnh thì cầm chài xuống suối bắt cá để chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình. Chỉ vậy thôi là đủ cho một cuộc sống bình dị” - ông Lương Văn Khoái tiếc nuối.
Ngày nay, do dòng suối Nậm Luông thường xuyên xảy ra lũ lụt vào mùa mưa, nên những ngôi nhà sàn của người Tày vùng Nghĩa Đô, Vĩnh Yên đã được dựng ở những khu vực cách xa dòng suối này. Vì thế, khi đến với vùng đất này, rất ít gặp cảnh sinh hoạt của người Tày bên dòng suối như trước kia. Một phần vì theo nếp sống mới, một phần do dòng Nậm Luông đã bị xâm hại và biến dạng, nên nước của suối Nậm Luông giờ chỉ phù hợp cho việc tưới tiêu đồng ruộng.
Nghệ nhân Cổ Văn Thụy, đội 4, xã Vĩnh Yên là một trong những nghệ nhân hát then nổi tiếng ở Bảo Yên tâm sự: “Ngày xưa, khi còn bé, tôi được nghe các bà, các mẹ hát khắp yếu, hát then rất nhiều bài hay. Tuy nhiên, ngày nay rất ít người thuộc thế hệ trẻ được nghe, được hát những bài như thế. Là người con sinh ra trong cái nôi của các làn điệu hát then, hát khắp yếu, tôi thấy đau lòng và tự thấy mình phải có trách nhiệm khôi phục và truyền lại cho con cháu”. Từ những năm 1990, nghệ nhân Cổ Văn Thụy bắt đầu sưu tầm các bài hát then, khắp yếu. Có những bài, ông phải tốn thời gian gần hai năm trèo đèo, lội suối đến các bản làng xa xôi để được nghe các bậc cao niên hát lại, rồi ghi thật cẩn thận để thuận tiện cho việc khớp nối các đoạn hát khác nhau của một bài.
Đến nay, nghệ nhân Cổ Văn Thụy đã sưu tầm và sáng tác được hàng trăm bài hát then, khắp yếu của dân tộc mình. Các bài hát mà ông Thụy sưu tầm được rất phong phú về thể loại, từ những bài hát kể về hình thành trời, đất, bản, mường, đến những bài ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, trao duyên, hát đối… Bản thân ông Thụy cũng tự mình đem những bài hát then sưu tầm được để biểu diễn tại các buổi giao lưu văn nghệ ở xã, huyện và thi khu vực, toàn quốc, đạt được nhiều giải cao. “Thấy các cháu tham gia Câu lạc bộ hát then và rất yêu các bài hát then, tôi mừng lắm. Từ đây sẽ không còn lo những làn điệu hát then của dân tộc mình bị mai một”, ông Thụy vui sướng nói với tôi.
Chia tay ông Cổ Văn Thụy, trong tôi vẫn còn vang vọng những câu hát then mượt mà, đằm thắm của chính nghệ nhân này. Dòng suối Nậm Luông là chứng nhân cho những giá trị văn hóa trường tồn qua bao thăng trầm của người Tày nơi đây.
ST
- Độc đáo lễ đặt tên của người Dao đỏ ở Lào Cai (03.06.2016)
- Về Vĩnh Yên - Bảo Yên thưởng thức món cá chép nướng (03.06.2016)
- Hương vị bánh chuối của người Tày Bảo Yên (02.06.2016)
- Hè về trên Thác Làng Pịt - Lương Sơn - Bảo Yên (02.06.2016)
- TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI , DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở NGHĨA ĐÔ, BẢO YÊN (01.06.2016)
- Về Nghĩa Đô ăn cá suối (31.05.2016)
- Đền Bảo Hà: Truyền thuyết và chuyện kể về ngôi mộ Ông Hoàng Bảy (28.05.2016)