Bén duyên với lúa Séng Cù
Chúng tôi về Lương Sơn khi tràn ruộng bậc thang ở Lương Hải, những bông lúa Séng Cù đã uốn câu. Người dân ở 2 thôn Lương Hải 1 và 2 đều vui mừng lắm vì năm nay lúa tốt, được mùa. Nhìn những bông lúa chín vàng, trĩu nặng buông dài dưới nắng mà nghĩ về một mùa no ấm. Đồng chí Trần Công Thức, Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn vừa dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa Séng Cù phấn khởi cho biết: Đã 3 năm nay rồi, người dân Lương Hải “bén duyên” với cây lúa Séng Cù, mỗi ha cũng thu nhập trên 80 triệu đồng. Với 2 vụ lúa, mỗi năm nếu chăm sóc tốt, mưa thuận gió hòa, 1 ha ruộng bậc thang cũng mang về cho nông dân trên 160 triệu đồng.
Cả thôn bây giờ đã mở rộng diện tích được khoảng gần chục ha ruộng trồng bằng giống lúa đặc sản Séng Cù, gạo và cơm ngon không kém gì trồng ở Mường Khương, nơi được xem là “xứ sở” của loại gạo đặc sản này. Lạ lùng là, cả xã Lương Sơn cũng chỉ trồng được giống lúa Séng Cù ở thôn Lương Hải 1 và 2 này thôi, những tràn ruộng bậc thang nằm ven khe suối, dưới chân núi con Voi.
Ngoài trồng lúa Séng Cù, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở Lương Sơn còn phát triển mạnh các mô hình kinh tế trồng rừng, chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là nổi lên phong trào nuôi cá Bỗng, một giống cá tự nhiên ở sông Chảy. Từ năm 2008, gia đình ông Phạm Hồng Điều, Trưởng thôn Lương Hải 2, đã mua giống cá Bỗng về nuôi, đến năm 2012 cá đã được 7-8kg/con.
Năm ngoái, lũ quét, ao cá nhà ông đã bị trôi mất hơn 6 tạ cá, trong đó có cả cá Bỗng. Năm nay, gia đình ông Điều lại mạnh dạn thả thêm vào hệ thống ao nuôi gần 600 con cá Bỗng giống. Đã gần chục năm nay, ngoài nuôi các giống cá phổ biến như rô phi, trắm, chép… gia đình ông Điều và nhiều hộ trong thôn, xã vẫn đang nuôi giữ giống cá quý, được xem như một đặc sản của vùng đất Bảo Yên này. Ông Phạm Hồng Điều tâm sự: Ngoài các giống cá thông thường thì ở Lương Sơn phát triển nuôi cá Bỗng là thế mạnh mà những người nông dân như chúng tôi có thể làm được để phát triển kinh tế gia đình. Đó cũng là điều khác biệt của vùng đất Lương Sơn.
Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn - Trần Công Thức cho biết thêm: Trong Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ xã Lương Sơn giai đoạn 2015-2020, có vạch ra hướng phát triển nghề nuôi cá Bỗng, nên xã chủ trương vận động bà con phát triển nuôi ở hộ gia đình. Trong năm nay, xã cũng đã được hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá Bỗng thương phẩm với 1.200 con giống.
.jpg)
Tuy nhiên, do nguồn giống không chủ động được nên xã rất cần ngành nông nghiệp, nhất là Trung tâm Thủy sản tỉnh cần có những hộ trợ về mặt kỹ thuật, giúp nông dân nơi đây có nguồn cá giống bố mẹ lấy giống gốc từ sông Chảy, loài cá đã được thuần hóa và đang phát triển ở đây… Hiện tại, hầu như nhà nào ở Lương Sơn có ao cũng thả cá Bỗng, nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu là thả ghép với các giống cá khác. Nhưng theo thống kê chưa đầy đủ của xã Lương Sơn thì hiện tại có khoảng chừng 40% số hộ trong xã nuôi cá Bỗng.
“Dân giàu, cán bộ nhàn”
Đó là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo cán bộ xã Lương Sơn (Bảo Yên) trong chỉ đạo nhân dân đồng bào các dân tộc trong xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, trong những năm qua, cũng từ cách nghĩ “vì dân” ấy mà phong trào thi đua sản xuất kinh doanh ở Lương Sơn đã thực sự tạo động lực cho nông dân nơi đây vươn lên làm kinh tế giỏi.
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được nhân dân trong xã hưởng ứng đăng ký tham gia phong trào, kinh tế hộ đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, số hộ nông dân có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng. Trong tổng số 158 hộ nông dân sản xuất giỏi toàn xã có rất nhiều hộ có mô hình sản xuất mới, cách làm hay, nhiều sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Thọ ở bản Chiềng 1, gia đình đi đầu trong phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững, ông đã mạnh dạn đầu tư máy đóng gạch ba vanh, máy xay xát, chăn nuôi gia súc, gia cầm và mua ô tô chuyên chở vật liệu cho bà con nông dân và các công trình xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động có mức thu nhập từ 1,6-2,1 triệu đồng; hằng năm trừ chi phí, trả lương cho nhân công, gia đình ông nguồn thu ổn định trên 100 triệu đồng.
Hay như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, ở bản Lương Hải 1, một trong những điển hình từ hộ nghèo mạnh dạn phát triển kinh tế vượt khó đi lên. Là hộ nghèo trong thôn, lại nuôi 2 con đi học nên cuộc sống gia đình chị Tâm vốn rất khó khăn. Tham gia phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chị đã nung nấu ý chí vượt qua nghèo đói bằng chính bàn tay, khối óc và sức lao động của mình.
Chị Tâm đã mạnh dạn học tập kinh nghiệm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, lớp dạy nghề ngắn hạn do địa phương tổ chức. Đến nay, từ một hộ khó khăn, gia đình chị Tâm đã vươn lên là hộ khá, từ phát triển chăn nuôi lợn, gà vịt và làm dịch vụ bán hàng. Hằng năm, gia đình chị Tâm bình quân cũng xuất chuồng từ 3-4 tạ lợn hơi, 1-2 tạ gia cầm thương phẩm; mỗi năm cũng tích lũy được 50-60 triệu đồng. Ngoài dành vốn đầu tư mở rộng sản xuất, làm dịch vụ, gia đình chị Tâm cũng đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố khang trang…
Đồng chí Kim Đức Tam, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi khẳng định: Việc triển khai phong trào thi đua đã thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ đã mạnh dạn, tự tin hơn trong việc phát huy khả năng lao động, sáng tạo, có nhiều cách làm hay trong phát triển kinh tế, vươn lên chiến thắng đói nghèo, tạo nên bức tranh kinh tế nông thôn Lương Sơn có nhiều sắc màu tươi mới.
Trở lại Lương Sơn lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước đổi thay nhanh chóng của một vùng đất bên dòng sông Chảy, dưới chân núi con Voi sừng sững. Đổi thay hiện hữu từ con đường bê tông sạch đẹp vào thôn, hiện hữu trên cánh đồng lúa chín, trong mỗi nếp nhà đã no ấm hơn. Xen lẫn màu vàng của lúa chín là những nương chè xanh mướt được đốn tỉa thắng tắp, những rừng quế xanh bạt ngàn, những ngôi nhà mới trang trang…
Khí hậu của vùng này mát mẻ quanh năm nên nơi đây được xem như là mảnh đất trù phù để nuôi trồng các loại nông sản quý có giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, nhiều gia đình ở Lương Sơn nhờ bàn tay cần cù chịu khó lao động đã tạo nên những mô hình vườn ao chuồng rừng với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trồng thành công giống lúa đặc sản Séng Cù, cùng với nghề nuôi cá Bỗng lâu năm, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm… đã tạo nên sức bật mới cho vùng nông thôn Lương Sơn, trở thành điểm đến hấp dẫn cho trong hành trình khám phá miền đất có hai dòng sông.
LÊ THANH CƯỜNG
- Men theo câu hát then Tày (22.06.2016)
- Phố Ràng - “nơi bến đợi, ga chờ” (20.06.2016)
- Đặc sắc lế hội chọi Trâu Bảo Hà - Bảo Yên (19.06.2016)
- Ngào ngạt hương sen vùng cao - Bảo Yên - Lào Cai (17.06.2016)
- Trải nghiệm thú vị qua cuộc săn “chân dài” (17.06.2016)
- Truyền nhân giữ gìn “linh hồn” bản Tày (16.06.2016)
- Về Vĩnh Yên – Nghĩa Đô thưởng thức đặc sản thịt trâu sấy (14.06.2016)