
Theo nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi (ở xã Nghĩa Đô) thì nguồn gốc của những câu đồng dao của người Tày Nghĩa Đô bắt nguồn từ một câu chuyện được dân bản vùng này lưu truyền từ lâu đời. Chuyện kể rằng, xưa ở vùng Nghĩa Đô có bốn người tên là ê Kể, ê Thăn, ê Thũa, ê Thông rủ nhau đi uống rượu, lúc rượu tàn, bốn người cùng nhau về nhà. Trên đường về, ê Kể bị say nặng nhất, ngã lăn ra đường, ê Thăn tỉnh hơn liền đỡ ê Kể đứng dậy rồi dìu đi. Ê Thũa cũng bị say, chẳng biết xảy ra chuyện gì cứ đứng ngơ ngác nhìn, ê Thông thấy thế kêu trời thật to để có người nào đó đến giúp sức. Trước cảnh tượng trên, người sáng tác đồng dao đã hình thành bài: "Thằng Kể ngã lăn/Thằng Thăn vực dậy/Thằng Thũa đứng trông/Thằng Thông kêu trời".
Nhưng khi đọc bài đồng dao ấy lên, nhiều người chẳng hề biết chuyện đó, có người khen, có người chê, liền đi tìm tác giả để hỏi cho ra nhẽ, nhưng chẳng tìm được ai, cũng chẳng động được đến ai, bài đồng dao cứ thế dài mãi ra: "Thằng Tọa bật dậy/ Thằng Phạy chẻ đóm/ Tìm lửa không được/ Thằng Tước nhà cạnh/ Thằng Thạnh nhà trên/ Liền vội về coi/ Thằng Chọi vội nói/ Tội bố gì tao/ Thằng Đao vội vàng/ Lấy cáng về khiêng/ Thằng Thiêng không chịu/ Thằng cụi bỏ chạy/ Thằng Bảy đuổi kịp/ Thằng Kíp đỡ dìu/ Thằng Thìu cười đùa/ Thằng Đua chạy biến...".
Ở bài này, khi sự việc xảy ra có rất nhiều người cùng tham gia cứu giúp, lúc đến nơi, họ mới té ngửa ra rằng, sự việc chưa đến nỗi nào, chẳng qua chỉ vì một thằng say rượu. Với ý tứ ấy, nhiều người tỏ ra thờ ơ theo cách riêng của mình và chỉ để cho thằng Kíp đỡ thằng Thăn dìu thằng Kể đi. Thái độ của mọi người cũng là lời cảnh báo cho thằng Kể và nhiều thằng khác nữa... từ nay nên chừa cái tật uống quá chén.
Hiện nay, ở Nghĩa Đô còn gìn giữ khá nhiều câu đồng dao như trên. Câu đồng dao của người Tày Nghĩa Đô thường nói đến đặc điểm, sự việc, bản chất, kể cả phê phán thói hư, tật xấu của con người. Từ một nhân vật, một sự kiện của một con người biểu hiện, nói lên nhiều nhân vật tham gia với đặc tính của từng người hợp thành, tạo nên một chuỗi các đặc điểm điển hình của một xã hội.
Ngoài ra, câu đồng dao ở vùng Nghĩa Đô còn nói đến các hiện tượng, các đặc tính của con vật, của hiện vật xung quanh con người trong cuộc sống. Chẳng hạn: "Lợn ăn cám đùi trước/ Trâu ăn cỏ đùi sau/ Thịt khỉ ngon miếng nướng/ Tép riu kho mẻ sả/ Ốc gạo chặt chôn mút/ Rễ chĩu xào nước măng/ Thịt gà ghẹ canh gừng/ Da bò hầm với nghệ/ Rơi hay kho rau kiệu/ Cà pháo nướng ốp nếp/ Thịt ếch xào gừng, răm/ Thịt vịt chấm nước tỏi/ Lợn con nướng giòn da...". Cứ như thế, người Tày vùng Nghĩa Đô gắn tính chất các con vật nuôi, thú rừng, cá nước, chim trời... kéo dài mãi ra, để người nghe sau đó nghiệm lại thấy đúng mà vận dụng, nhất là cách chế biến từng loại thịt với các gia vị đặc trưng, tạo nên các món ăn hấp dẫn.
Những câu đồng dao của người Tày vùng Nghĩa Đô còn phê phán những thói hư, tật xấu, hành động phi đạo đức của con người. Cụ thể có một bài đồng dao nhân việc thằng Tiến bị mất trộm trâu, người ta mới gom được nhiều người mất trộm, dù to, dù bé... đọc mãi không hết để cảnh tỉnh cho mọi người có của phải giữ lấy của: "Thằng Tiến mất trâu/Thằng Đâu mất gà/Thằng Quạ mất lợn/Thằng Sơn mất lúa/Thằng Của mất khăn/Thằng Căn mất hái/Thằng Cai mất thuổng/Thằng Cuông mất đũa/Thằng Phú mất rau kiệu/Thằng Điểu mất gà thiến/Thằng Thiên mất bì ử/Thằng Tự mất mõ trâu/ Thằng Đậu mất dao quắm/Thằng Thắm mất lẫy kèn/Thằng Thèn mất thừng ngựa/Thằng Chựa mất ống giun/Mè vun mất dải dút/Thằng Cút mất đá mài/ Thằng Thài mất trứng ngan/Thằng Han mất tên nỏ...". Bài đồng dao trên hàm ý phê phán thói hư tật xấu trong bản, trong xã hội, chê bai những kẻ chuyên trộm cắp, dù là những cái nhỏ nhất.
Là một thể loại được hình thành từ trong lòng nhân dân lao động, những câu đồng dao của người Tày vùng Nghĩa Đô có những đặc điểm nghệ thuật đặc trưng và ý nghĩa lớn lao. Đó là một thể loại nghệ thuật truyền miệng có vần điệu, thể thơ tự do bằng tiếng Tày dài, ngắn tùy ý, thường ở thể 4-5 chữ, thỉnh thoảng cũng có câu tới 6 chữ nhưng ít dùng hơn. Nó gắn liền với tên người, sự việc, động vật, các hiện tượng xã hội, do đó rất dễ nhớ, dễ thuộc, nhớ lâu, dễ sáng tác, chỉ cần một từ ngữ của câu sau gần với vần điệu một từ ngữ của câu trước là thành câu, thành bài, rất lý thú, có tác dụng thiết thực trong cuộc sống.
Câu đồng dao vùng Nghĩa Đô có tính chất đại chúng sâu sắc, rộng rãi vì nó phản ánh nhiều khía cạnh, nhiều đối tượng mà không phân biệt đẳng cấp, tuổi tác. Khi một bài đồng dao được đọc lên có sự gây cười, phê phán sâu sắc, hóm hỉnh. Đồng dao của người Tày Nghĩa Đô có tính chất giáo dục, dạy bảo đối với mọi tầng lớp con người, từ già đến trẻ, từ quan đến dân, từ cai đến thợ, từ giàu có đến tứ cố vô thân... nếu sáng tác kịp thời, đúng thời điểm, đúng hiện tượng.
Nguyễn Thế Lượng