
Đền Phúc Khánh nằm trong quần thể di tích Thành cổ Nghị Lang, một kiến trúc mang đặc trưng thời Lê - Mạc, là nơi thờ tụ các vị chúa Bầu. Tương truyền: Vào thời kỳ nhà Mạc lên nắm quyền thay nhà Lê, hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật quê ở xã Đông Ba, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), tỉnh Hải Dương lánh nạn nhà Mạc lên vùng Bảo Yên xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc bảo vệ biên cương và chống lại quân nhà Mạc. Vũ Văn Mật đã cùng các con cháu tích cực xây lũy, đắp thành, chiêu mộ quân sĩ chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương và xây dựng Bảo Yên thành một vùng trù phú. Sau này, để nghi nhớ công ơn các chúa Bầu, nhân dân đã lập đền thờ trên đồi Tấp. Trải qua thời gian với nhiều biến động của lịch sử, những bức tường thành đã sụt lở,mọi kiến trúc bên trong thành cũng như ngôi Đền Phúc Khánh gần như bị phá hủy hoàn toàn, vết tích của ngôi đền còn lại rất ít.
Thông qua các cuộc khai quật khảo cổ , tìm kiếm dấu tích Thành cổ Nghị Lang và Đền Phúc Khánh cho thấy: Trên đồi Tấp, ngoài nền Đền còn nguyên, còn có cây khế, rặng cây duối hàng trăm năm năm tuổi. Đây là những vật chứng từng chứng kiến một phần, một giai đoạn tồn tại của thành lũy cổ cũng như ngôi Đền Phúc Khánh uy nghi. Cũng tại nền Đền này, qua quá trình khảo cổ còn tìm thấy một số tảng đá lớn có chạm, khắc hoa văn tinh xảo, một con rùa đá lớn lưng đội tấm bia đá, tuy tấm bia đã vỡ phần đầu, mặt bia bị bào mòn, nhưng vẫn hiện rõ dòng chữ ghi “Phúc Khánh Tự”, được xác định là tấm bia ở ngôi chùa Phúc Khánh khi xưa do các Chúa Bầu xây dựng. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều gạch, ngói xây chùa hay các vật trang trí và vật dụng thời bấy giờ như: Bát, đĩa, chum, vại, bình….đặc biệt, còn tìm thấy một số vũ khí như: kiếm, giáo. Qua các đợt khảo cổ nghiên cứu đã thu thập được trên 300 hiện vật, khẳng định sự tồn tại của di tích, cũng như khẳng định được giá trị văn hóa truyền thống của các nghề thủ công thời kỳ đó như: Rèn, mộc, gốm sứ…
Năm 2006, di tích lịch sử văn hóa “Đền Phúc Khánh” được trùng tu tôn tạo và được xây dựng trên nền đất cũ theo kiến trúc thời Lê - Mạc; các bộ vì mái được làm bằng gỗ dạng chồng rường giá chiêng, tam quan ngoại xây dựng dạng tứ trụ truyền thống, các đỉnh trụ đắp phượng và nghê chầu, tam quan có kiến trúc một gian hai trái chồng diêm, thềm và bậc bằng đá có rồng cuốn, chân cột kê đá tảng có trạm khắc hoa văn thời nhà Mạc.
Nhắc đến di tích lịch sử “Thành cổ Nghị Lang” chính là nói đến Đền Phúc Khánh, hai cụm từ này như gắn kết thành một để nói về giá trị di tích lịch sử đang hiện hữu ở trung tâm thị trấn Bảo Yên. Đến Bảo Yên, miền đất có hai dòng sông chúng ta sẽ được ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, được tỏ lòng thành kính của mình với những bậc tiền nhân có công dẹp giặc bảo vệ quê hương, đồng thời dâng nén hương thơm để tưởng nhớ tới những anh hùng một thời chống giặc tạo bề dầy truyền thống cho mảnh đất Bảo Yên hôm nay.
st
Các bài khác
- Sắc màu thổ cẩm Bảo Yên (23.01.2017)
- Về thăm cọn nước Làng Là - Bảo Yên (06.01.2017)
- Tìm lại "kho trầm tích" của người Tày vùng Nghĩa Đô (05.01.2017)
- Pây Tái - Nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày Bảo Yên (05.01.2017)
- NGHI LỄ THEN CỦA TỘC NGƯỜI TÀY Ở BẢO YÊN (20.12.2016)
- Đền Ông Hoàng Bảy - Dấu ấn lịch sử và điểm đến tâm linh (10.12.2016)
- “Thịt trâu sấy Bảo Yên” được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể (02.12.2016)