Hiện nay, dù đã có mặt trên thực đơn của nhiều nhà hàng chốn thị thành nhưng cơm lam chỉ thật sự thăng hoa khi bạn thưởng thức món ngon này ngay tại Vùng ẩm thực Vĩnh Yên - Nghĩa Đô đầy kỳ bí và huyền ảo.
Đối với những du khách thập phương khi du lịch đến vùng đất Vĩnh Yên -Nghĩa Đô luôn được bà con ở đây thết đãi món cơm lam, và không có gì thích thú hơn, khi ngồi bên bếp than thưởng thức cơm lam kèm theo nhiều món ẩm thực đầy hấp dẫn khác bên những ngôi nhà sàn cổ kính phủ bóng già nua theo năm tháng xuống bờ suối với dòng nước trong xanh, dõi theo những đàn cá lội tung tăng, và nghe văng vẳng câu hát của những cô gái người Tày ru con à ơi.
May mắn hơn số đông, tôi đã được trải nghiệm những cảm giác này.
Đôi khi, ẩm thực là sự tình cờ. Chuyện kể rằng, trong những lần lên nương vào rừng, người dân Tây Bắc nói chung cũng như người dân Vĩnh Yên -Nghĩa Đô phải tìm cách thuận tiện nhất để nuông chiều bao tử. Tiện có cánh rừng nứa thiên nhiên ban tặng, vừa hay có dao mang theo đi rẫy, tình cờ nương lúa lại đang trĩu hạt. Vậy là họ nghĩ ra cách tận dụng những gì có sẵn để tạo ra món cơm lam. Lam vừa có nghĩa là “nướng” theo tiếng Thái, vừa là sắc màu của ống nứa theo tiếng Hán-Việt.
Và, sẵn tiện lửa than, người xưa còn bắt cả thú rừng và cá suối, nướng để ăn cùng cơm lam. Mỗi khi đi rừng, họ chỉ việc mang theo ít gạo, một chút muối vừng, nghỉ ở đâu thì chặt nứa lam cơm ở đó, một bữa cơm vừa tiện lại vừa ngon.
Để hiểu rõ hơn về cơm lam của vùng đất đặc biệt này. Tôi đã gặp trực tiếp Chị Thu – Cháu của nghệ nhân người Tày Ma Thanh Sợi , chủ nhà hàng Thu Sử - Vĩnh Yên.
Chị có thâm niên làm món cơm lam ở vùng đất Vĩnh Yên – Nghĩa Đô (Lào Cai) chia sẻ: để làm được cơm lam ngon đầu tiên phải chọn được nứa đúng “chuẩn”. Nứa phải còn tươi xanh, vừa đủ “tuổi”, non nhưng không quá non (đã ra được 4,5 lá), càng không được quá già, như trai bản ở độ mười tám, đôi mươi. Ống nứa phải thon dài, không quá to không quá nhỏ, đường kính khoảng 3cm là vừa.
Chọn được nứa rồi thì chị chặt lấy đoạn lưng chừng thân cây, bỏ gốc và bỏ ngọn, vì đó là nơi chứa nhiều nước nứa, thứ nước tinh khiết trời ban. Và nứa được ưu tiên được chặt từ những đồi núi của Vĩnh Yên và Nghĩa Đô. Nếu để cơm lam ngon hơn nữa có thể ống lam bằng cây giang, vì cây giang dày hơn cây nứa va có 1 lớp màng mỏng bên trong, nên cơm lam không bị dính ống lam.
Gạo để nấu cơm lam phải là loại gạo dẻo thơm được gặt từ ruộng, nương lúa của vùng Vĩnh Yên – Nghĩa Đô. Sau khi có được gạo và nứa đúng “chuẩn”, chặt nứa ra thành từng khúc dài chừng 3 tấc và đổ gạo đã vo sạch vào gần đầy ống nứa (vì gạo còn nở nên không nén gạo và không cho gạo quá đầy). Nếu nước nứa không đủ thì đổ thêm nước suối, rắc ít muối, rồi dùng lá chuối hoặc lá dong bịt kín đầu nứa.
Để dọc ống nứa, nướng đều từ trên xuống dưới, độ một hai lượt thì dằn mạnh ống nứa xuống đất, làm khoảng dăm bảy lần để gạo từ từ dồn xuống, có như vậy thì hạt cơm mới săn chắc. Đến khi nước cạn mới đặt ống nứa nằm ngang, xoay đều trên lửa than đến khi nghe hương thơm đặc trưng của nhựa nứa hòa cùng gạo nương là biết cơm đã chín. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng phải có cả kỹ thuật lẫn kinh nghiệm thì mới có thể làm cho vỏ nứa cháy đều, cơm chín mềm, chắc dẻo mà không cháy.

Khi cơm đã được lam xong, bạn cũng đừng hấp tấp mà hỏng món ngon, phải để nguội thì cơm mới khô nước, không bị nhão. Với người lam cơm để bán, muốn giữ cơm được lâu hơn thì họ vót bỏ hết lớp nứa cháy bên ngoài, để lộ lớp ruột nứa trắng ngà, ống cơm này có để dăm bảy ngày cũng chẳng sợ thiu, khi nào có khách thì nướng lại cho ấm. Còn nếu lam cơm để ăn liền thì chỉ việc chẻ ống nứa ra là thưởng thức.
Nếu đã từng trải nghiệm, chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc tận hưởng hương vị cơm lam ăn kèm với nhiều món ngon hấp dẫn giữa vùng đất ẩm thực Nghĩa Đô – Vĩnh Yên. Khi cơm lam bốc hương thơm thì đó là sự tổng hòa của những mùi hương đến từ thiên nhiên: hương gạo quyện cùng hương nứa, thoang thoảng là mùi lá dong, lá chuối và cái mùi nồng nàn đặc trưng của lửa than.
Ngắt một nhúm cơm trong khúc cơm dài chắc nịch, chấm muối vừng rồi đưa vào miệng để “thết đãi” vị giác mới thấy, cơm nương vừa dẻo bùi lại vừa ngọt, thêm vào đó là vị ngọt của nhựa nứa, nước nứa và vị mằn mặn thơm thơm của muối vừng. Vừa từ từ đảo cơm lam trên đầu lưỡi kẽ răng, vừa nhắm mắt lại lắng nghe tiếng núi rừng da diết, bạn sẽ cảm nhận hơi ấm lạ kỳ giữa khí trời man mác. Lại mở mắt ra, ngắm nhìn màu xanh của núi đồi, màu trắng của mây, cảnh vật vừa hùng vĩ vừa nên thơ ấy khiến cho món ăn làm từ những nguyên liệu đơn giản sẵn có của núi rừng trở nên quyến rũ lạ kỳ.
HTH
- Hè về trên Thác Làng Pịt - Lương Sơn - Bảo Yên (02.06.2016)
- TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI , DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở NGHĨA ĐÔ, BẢO YÊN (01.06.2016)
- Về Nghĩa Đô ăn cá suối (31.05.2016)
- Đền Bảo Hà: Truyền thuyết và chuyện kể về ngôi mộ Ông Hoàng Bảy (28.05.2016)
- Tưng bừng lễ hội đền Phúc Khánh thị trấn Phố Ràng (28.05.2016)
- Đồn Phố Ràng (26.05.2016)
- DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CĂN CỨ CÁCH MẠNG VIỆT TIẾN (26.05.2016)