Theo thời gian, đồng bào Tày nơi đây đã lưu giữ những tư liệu lịch sử và tạo dựng cho mình một bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đó là những giá trị truyền thống có sức sống vượt thời gian.

Chiến thắng vang xa

Dưới chân núi Khau Rịa, Khau Ái, dòng Nặm Luông hiền hòa uốn lượn quanh những bản làng Tày. Từ trung tâm xã Nghĩa Đô, men theo dòng Nặm Luông, chúng tôi đến được đồi Pú Đốn, bản Mường Kem, nơi có tấm bia di tích đồn Nghĩa Đô.

Dòng chữ lịch sử in đậm dấu thời gian: “Nơi đây, ngày 23-2-1950, quân và dân ta mở cuộc tấn công và bức địch rút quân khỏi đồn Nghĩa Đô. Huyện Bảo Yên sạch bóng quân thù, góp phần to lớn vào thắng lợi giải phóng Lào Cai”.

Vang bài ca chiến thắng nơi trận địa xưa

Bản làng Tày Nghĩa Đô, nơi lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền. 

Ở địa điểm này, nhìn ra xa, Nghĩa Đô là một lòng chảo rộng và tuyệt đẹp, bao quanh là những triền núi trập trùng.

Theo dòng lịch sử, chúng tôi được các cựu chiến binh kể cho nghe về Nghĩa Đô những năm chống thực dân Pháp. Dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở và thung lũng bằng phẳng, đầu năm 1948, thực dân Pháp đã chọn Nghĩa Đô là nơi để dựng bốt đồn, tích trữ súng đạn, tạo liên kết tuyến Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô.

Tại Nghĩa Đô, kẻ thù không chỉ dựng đồn kiên cố mà còn ra sức vơ vét của cải, đàn áp, chia rẽ đồng bào các dân tộc. Điều đó khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng cực khổ, nhân dân căm phẫn.

Cuối tháng 2-1948, quân Pháp bắt đầu mở các cuộc tấn công mới nhằm mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng tập trung khoảng 1.500 quân đánh vào vùng thượng huyện Lục Yên (Yên Bái) và Bảo Hà (Bảo Yên).

Cánh quân mạnh nhất của chúng tập trung ở Bảo Nhai (Bắc Hà), Cốc San (Bát Xát) với khoảng 1.000 tên, đối địch với trung đoàn Lao Hà của ta đang bảo vệ khu vực Nghĩa Đô.

Vang bài ca chiến thắng nơi trận địa xưa
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày Nghĩa Đô, không gian lý tưởng cho du lịch cộng đồng. 

Với uy thế hoả lực mạnh quân Pháp tấn công quyết liệt vào bộ đội ta và chiếm được Nghĩa Đô (27-2-1948) đẩy bộ đội ta xuống vùng Xuân Kỳ - Vị Thượng.

Đứng trước tình hình thực dân Pháp mở rộng căn cứ, xây đồn, tạo sức mạnh về lực lượng, từ tháng 3 đến tháng 5-1949, quân ta mở Chiến dịch Lao Hà.

Quân và dân huyện Bảo Yên phối hợp với bộ đội chủ lực mở các trận phục kích, tập kích trên các tuyến giao thông từ Nghĩa Đô - Bảo Hà, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu trên 20 tên, trong đó có 4 lính Pháp, thu 1 máy bộ đàm và nhiều súng ống, đạn dược.

Tháng 5-1949, ta mở Chiến dịch Sông Thao đợt 1, phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Nghĩa Đô - Phố Ràng - Bảo Hà, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

Tư liệu lịch sử về chiến thắng Nghĩa Đô còn ghi rõ: “Đến ngày 23-2-1950 bọn Pháp và tay sai trong đồn đã cạn sức, một số ra đầu hàng, số còn lại chạy sang Bắc Hà. Quân ta làm chủ chiến trường, nhân dân vui mừng trong niềm vui giải phóng, bầu trời Nặm Luông bừng sáng, thác Mạ Khạng tỉnh giấc reo vang: Quê hương Nghĩa Đô đã hoàn toàn giải phóng”.

Ông Ma Văn Quyết, chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Đô nhấn mạnh: “Chiến thắng đã được ghi vào sử sách. Cùng với chiến thắng Phố Ràng có ý nghĩa quan trọng, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, cắt đứt mối liên hệ của chúng từ Lào Cai đi các tỉnh, mở cánh cửa cho quân ta tiến lên giải phóng Lào Cai”.

Đứng trên đồi Khau Ái, tiếng suối Nặm Luông róc rách gợi lên nhịp sống thanh bình của vùng đất Nghĩa Đô. Nghe vẳng đâu đây câu hát then vọng lại từ phía bản làng Tày. Hòa vào tiếng suối và hương rừng Khau Rịa, câu hát vang lên đầy tự hào: “Chiến thắng Nghĩa Đô mãi mãi vang xa, cho hôm nay ta hát một bài ca”.

Tại bản Nà Khương, nghĩa trang liệt sĩ với hơn 40 ngôi mộ liệt sĩ vô danh là chứng tích lịch sử oai hùng cho lòng yêu nước và sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong trận chiến ở Nghĩa Đô.

Trầm tích văn hóa

Chiến thắng lịch sử bên dòng Nặm Luông đã tạo nên cho vùng đất Nghĩa Đô một hào khí, tiếp thêm sức mạnh cho biết bao thế hệ nơi đây. Còn những giá trị văn hoá cổ truyền đã làm nên trầm tích văn hoá từ bao đời cho vùng đất này.

Vang bài ca chiến thắng nơi trận địa xưa
 Phụ nữ Tày bên khung cửi dệt vải truyền thống. 

Ông Ma Thanh Sợi, nghệ nhân ưu tú (Bản Rịa - Nghĩa Đô) kể rằng: “Nghĩa Đô là nơi hội tụ những yếu tố truyền thống mang đậm bản sắc của cư dân Tày Bảo Yên”. Chính vì vậy, trong những năm qua, ông Sợi đã miệt mài đi tìm và ghi chép lại những câu tục ngữ, bài cúng, hát then, hát ru, truyện cổ và câu đố của đồng bào Tày nơi đây.

Ông còn dành nhiều công sức nghiên cứu lịch sử ngôi đền thiêng thờ chúa Bầu dưới chân núi Pú Chè. Tập sưu tầm nghiên cứu của ông đã dày tới 2.760 trang chép tay.

Nghĩa Đô là vùng đất hội tụ những nét văn hóa cổ truyền vô cùng độc đáo như nhà sàn, phong tục cưới hỏi, ma chay, dệt thổ cẩm, chợ phiên, ẩm thực, hội cốm.

Nơi đây cũng là vùng quê có nhiều những lễ hội truyền thống của cư dân Tày như hội chơi xuân, hội xuống đồng, lễ gánh nước thiêng, lễ  hội kiệu trâu vào đền hay lễ hội Pang của những gia đình thầy then...

Ông Ma Tấn Côn, phó trưởng ban Tuyên vận xã Nghĩa Đô kể rằng: “Những trò chơi dân gian có ý nghĩa gắn kết cộng đồng cao như đánh yến, tung còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy được tổ chức vào những dịp lễ hội, đồng bào Tày nô nức tham gia”.

Phát triển du lịch cộng đồng

Là vùng đất hội tụ những nét văn hóa bản địa vô cùng độc đáo, nơi lưu giữ các di tích như dấu tích thành cổ Nghị Lang, chiến thắng Nghĩa Đô, đền Nghĩa Đô, những bản nhà sàn tuyệt đẹp đã giúp Nghĩa Đô có những điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Cổ Hữu Cường, phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô kể cho chúng tôi nghe rằng, ngày 8-7-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU “về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Gần đây nhất, ngày 9-9-2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Nơi đây đã sẵn sàng chào đón du khách mọi miền, là điểm du lịch cộng đồng mới đầy lý tưởng để du khách lựa chọn khám phá.

Vang bài ca chiến thắng nơi trận địa xưa
 Ẩm thực, nét độc đáo văn hoá cổ truyền Nghĩa Đô.  

Những năm gần đây, du khách đến và trở lại Nghĩa Đô trong hành trình khám phá Bảo Yên ngày càng nhiều. Những sản phẩm du lịch của Nghĩa Đô đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng du khách mọi miền. Đó là tín hiệu vui để Nghĩa Đô đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, một hướng đi đúng đắn trong quá trình làm thay đổi diện mạo cuộc sống nơi chiến địa xưa.

Trải qua bao tháng, bao năm, bao mùa lúa bên dòng Nặm Luông trĩu hạt chín vàng, bao mùa ngô bên triền núi Khau Rịa, Khau Ái trổ bắp. Bao mùa con trai, con gái Tày yêu nhau để nên duyên vợ chồng và sinh con đẻ cái, cuộc sống ở thung lũng Nghĩa Đô theo thời gian mà bình yên, ấm áp và khởi sắc từng ngày.

Song hành những đổi thay của cuộc sống, có những giá trị còn mãi với thời gian, đó là bài ca chiến thắng nơi trận địa Nghĩa Đô, những giá trị văn hóa cổ truyền như một mạch nguồn đang chảy mãi trong cuộc sống của con người nơi đây.

Đứng trên đồi Khau Ái, Khau Rịa nhìn ra phía xa xa, lòng chảo Nghĩa Đô là cả một không gian tràn ngập văn hóa và bản sắc Tày. Dòng suối Nặm Luông vẫn miệt mài chảy mãi với dòng nước mát lành bao bọc lấy các bản làng. Vang lên đâu đây từ bản Tày, tiếng hát then ngọt ngào, sâu lắng làm cho tâm hồn con người xốn xang, bồi hồi.

Trong cảm xúc của lòng người, Nghĩa Đô vang mãi khúc ca tự hào của bài ca chiến thắng, từ hào về mạch nguồn văn hoá chảy mãi từ bao đời nay.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG