Bà Nguyễn Thị San dệt thổ cẩm bên khung cửi truyền thống

Bà Nguyễn Thị San, sinh năm 1961, là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), nơi bà và gia đình đang sinh sống. Bà San kể rằng, Nghĩa Đô là vùng đất cổ, nơi hình thành, lưu truyền những giá trị văn hoá phong phú, mang đậm bản sắc và lời ăn tiếng nói của đồng bào Tày. Vốn dĩ sinh ra và lớn lên trong lòng bản Tày nên bà San có được niềm hạnh phúc là được cha ông truyền dạy những vốn văn hoá bản địa ngay từ khi còn thơ bé. Bà và bao người phụ nữ Tày Nghĩa Đô lớn lên, trưởng thành trong nguồn nuôi dưỡng ngọt ngào của những điệu hát then, hát cọi và những món ẩm thực đậm đà dư vị quê hương. Bởi vậy, trong con người bà San luôn hội tụ vốn văn hoá được bà bồi đắp, tích luỹ, sáng tạo theo năm tháng.

Là một công dân của địa phương, nơi quê hương Nghĩa Đô có bản sắc văn hoá cổ truyền độc đáo và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, bà Nguyễn Thị San tự nhủ rằng sẽ cố gắng, miệt mài để góp sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá của địa phương, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Ngoài việc tham gia công tác phụ nữ của thôn bản, công việc đồng áng, bà Nguyễn Thị San luôn dành thời gian để sưu tầm, ghi chép lại những bài hát then, hát cọi cổ của Nghĩa Đô. Đến nay, bà đã ghi lại được 119 bài hát cọi cổ truyền của địa phương và mong muốn sẽ truyền dạy cho lớp trẻ trong nay mai để tránh nguy cơ thất truyền làn điệu của cha ông.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của địa phương, năm 2021, UBND xã Nghĩa Đô đã thành lập Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, cử bà Nguyễn Thị San làm chủ nhiệm. Với sự dày dạn về kinh nghiệm và vốn sống cộng với sự tâm huyết của mình, bà San đã tích cực vận động bà con dân bản trong xã phục dựng, sưu tầm và truyền dạy kinh nghiệm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, nhu cầu của khách du lịch và bán ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị San cho biết, Hợp tác xã có 20 thành viên, trong đó, có 11 thành viên thành thạo đan lát và dệt thổ cẩm, số còn lại tiếp tục được truyền dạy để thuần thục hơn. Đan lát vốn là nghề truyền thống của xã Nghĩa Đô. Tận dụng những nguyên liệu tre nứa có sẵn trên đồi rừng và bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người đan để tạo tác nên những sản phẩm, dụng cụ phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường ngày như giỏ tre, rổ, rá, các sản phẩm lưu niệm du lịch thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, dệt thổ cẩm cũng là nghề và sản phẩm độc đáo, tinh tế của Nghĩa Đô nên bà San và các thành viên trong Hợp tác xã đã miệt mài lưu giữ, truyền dạy và trực tiếp dệt nên những tấm chăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Mỗi tấm chăn thổ cẩm như thế dệt thủ công liên tục từ 2-3 tuần mới xong. 

Cùng với việc gìn giữ và truyền dạy nghề truyền thống, bà Nguyễn Thị San còn bảo tồn văn hoá ẩm thực Nghĩa Đô theo cách của mình đó là trực tiếp chế biến và hướng dẫn con cháu, dân bản làm các món ăn bản địa. Trong đó nhiều món được bà San chế biến để phục vụ khách du lịch mọi miền khi đến khám phá vùng đất này như vịt bầu lam ống nứa, cá suối, xôi ngũ sắc, rau dớn nộm, măng luộc, thịt trâu nộm, nem măng chả cuốn lá dổi, cá gói lá vả hấp… Bà San chia sẻ rằng, đến nay, bà biết chế biến 13, 14 món ăn cổ truyền của đồng bào Tày vùng Nghĩa Đô. Đó là những món ăn dân dã, được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn, đậm đà dư vị. Điển hình như món vịt bầu cổ xanh vốn là đặc sản ở Nghĩa Đô có thể chế biến nhiều món ngon như vịt lam trong ống nứa, xương vịt băm nhỏ nướng trên than hồng, vịt luộc chấm với muối trộn gừng và rau răm…Mỗi khi chế biến, bà San đã dồn cả tâm huyết, sự khéo léo và thảo thơm mến khách của mình vào mâm cơm nên mỗi bữa ăn, mỗi mâm cơm đón khách phương xa về luôn toát lên sắc màu truyền thống và dư vị khó quên.

 Bà Nguyễn Thị San cùng cháu gái bên mâm cơm truyền thống của gia đình (Ảnh: Thế Lượng)

Năm 2021, xã Nghĩa Đô được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch theo quyết định số 3281/QĐ-UBND. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Nghĩa Đô đã chuẩn bị tốt những điều kiện để phát triển nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng. Bà Nguyễn Thị San cùng với gia đình đã bắt tay vào công việc biến ngôi nhà sàn của gia đình và không gian nơi đây thành một điểm dừng chân của du khách trong chuyến khám phá vẻ đẹp Nghĩa Đô.

Ngôi nhà sàn được xã đánh số 3 tại bản Nà Khương của gia đình bà San được dựng bằng gỗ vững chắc, lợp bằng lá cọ thoáng mát, sạch đẹp,  lưng tựa vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng, phía trước có ao nước thoáng đãng. Mặt sàn được thiết kế khéo léo bằng những tấm đệm, phía dưới sàn được thiết kế một không gian trưng bày những sản phẩm văn hoá truyền thống để du khách chiêm ngưỡng và khám phá. Phía bên phải, cạnh ao cá, bà cùng gia đình tạo một chòi nghỉ chân bằng tre gỗ, lá cọ thoáng mát để du khách ngồi thưởng thức những món ăn truyền thống. Xung quanh ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình bà San là không gian trong lành, yên tĩnh hoà vào màu xanh của cây lá, cỏ hoa cùng tiếng chảy róc rách của nước suối. Với kinh nghiệm và vốn sống phong phú, bà Nguyễn Thị San mong muốn tạo nên một không gian du lịch cộng đồng có sự tổng hoà của các yếu tố truyền thống để khi đến đây, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.

Ông Cổ Hữu Cường, dân tộc Tày, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Bà Nguyễn Thị San là một người phụ nữ có kinh nghiệm trong lưu giữ, bảo tồn văn hoá truyền thống. Trong những năm qua, bà luôn miệt mài, tích cực để vừa sưu tầm vừa truyền dạy bản sắc văn hoá Nghĩa Đô, góp phần hiệu quả vào phát triển du lịch cộng đồng của địa phương”. Trong những năm qua, các nam, nữ thanh niên, học sinh người Tày Nghĩa Đô luôn được bà Nguyễn Thị San cùng những người có kinh nghiệm trong các bản giúp đỡ, truyền dạy vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu, vừa sinh động về văn hoá truyền thống.

"Xã Nghĩa Đô đã và đang trên lộ trình phát triển du lịch cộng đồng và đang thu hút đông đảo du khách mọi miền đến khám phá và trải nghiệm. Một trong những yếu tố quan trọng là phải bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống, bởi đây là điểm xuất phát và cốt lõi không thể thiếu để tạo nên bản sắc trong vẻ đẹp muôn màu của vùng đất du lịch. Muốn làm được điều đó, cần sự vào cuộc bền bỉ, sáng tạo và chung tay đồng thuận của chính quyền và người dân nơi đây. Những công việc và sự tâm huyết của bà Nguyễn Thị San, một người con sinh ra trong lòng bản Tày đã và đang góp phần không nhỏ vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc vùng đất Nghĩa Đô", ông Cổ Hữu Cường nhấn mạnh./.

 
Nguyễn Thế Lượng (bao dangcongsan.vn)