![]() |
Mục sở thị hang hổ ở Thẳm Thưa. |
Mục sở thị hang “chúa sơn lâm”
Bên quán nước ven đường Quốc lộ 279, mấy cụ cao niên ở bản Tạng Què, xã Vĩnh Yên kể vanh vách những câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại liên quan đến vùng đất Thẳm Thưa. Theo tiếng Tày, “Thẳm” có nghĩa là hang đá, “Thưa” là hổ, nên Thẳm Thưa có nghĩa là hang hổ, thuộc phần đất giáp ranh giữa xã Nghĩa Đô và xã Vĩnh Yên. Được cảnh báo là đường lên Thẳm Thưa rất khó đi, cỏ cây rậm rạp và nhiều rắn độc, nhưng vì tò mò nên tôi vẫn quyết tâm tới đó để một lần được mục sở thị nơi trú ngụ của “chúa Sơn Lâm” thuở nào.
Phải mất gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được Thẳm Thưa. Vùng đất này giờ đã được người dân khai hoang để trồng ngô, sắn và trồng rừng, nhưng để đến được hang hổ, chúng tôi phải luồn lách qua những khe đá hẹp, hiểm trở, chỉ cần một thoáng mất tập trung là có thể trượt chân ngã xuống vực sâu. Đến Thẳm Thưa, anh Hoàng Văn Điệp, người dẫn đường chỉ tay về phía hang đá to và cao nhất mà bảo: “Kia là hang đá của con hổ đực đầu đàn, các hang bên cạnh và bên dưới là của hổ cái và hổ con”. Thẳm Thưa có rất nhiều hang đá lớn, nhỏ khác nhau, tạo thành một quần thể đá rộng gần một trăm mét vuông, ngoài ra còn có những tảng đá lớn và phẳng lỳ, là nơi để loài hổ vui chơi và gặm thức ăn. Địa thế hiểm trở, dễ bao quát xung quanh lại có thể tránh được mưa, gió nên rất thích hợp cho loài hổ trú ẩn. Anh Hoàng Văn Điệp cho biết, hồi còn nhỏ, anh theo người lớn lên Thẳm Thưa vẫn nhìn thấy nhiều bộ xương của các loài thú - dấu vết thức ăn của hổ để lại. Người dân đã gom những bộ xương đó rồi đào hố chôn dưới gốc đa cổ thụ, bên trên những hang đá Thẳm Thưa.
![]() |
Hòn đá hổ ling thiêng được người dân bảo vệ. |
Giai thoại về Thẳm Thưa
Bên bếp lửa bập bùng giữa ngôi nhà sàn cổ, bà Hoàng Thị Than, năm nay 84 tuổi ở bản Rịa nhấp chén nước nấu từ cây rừng, bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, khắp nơi toàn rừng cây rậm rạp, ban đêm tiếng vượn kêu, tiếng hổ gầm thét vang cả một vùng, mấy chị em tôi khi ấy run sợ lắm. Có hôm, trời mới nhá nhem tối, đằng sau nhà đã xuất hiện ba con hổ to lớn, bố tôi hô mọi người lên nhà khóa cửa, tháo cầu thang để tránh bị hổ tấn công. Thế rồi, hổ không bắt được người, chúng quay sang phá chuồng lợn, bắt nguyên một đàn lợn bốn con tha lên Thẳm Thưa ngay trong đêm hôm đó”.
Chuyện hổ dữ đến “thăm nhà” thường xuyên xảy ra đối với các gia đình ở trong vùng gần Thẳm Thưa. Mới đầu thì người dân khiếp sợ, nhưng với nhiều cách đối phó, chống chọi, dần dần mọi người cũng đã quen nếp sinh hoạt trong mối hiểm nguy vì thú dữ. Theo bà Than, hồi đó, để không bị hổ bắt, các gia đình phải dựng nhà sàn cao, vách vững chắc, hằng ngày đi đâu, làm gì luôn có ít nhất ba người đi cùng, khi thấy dấu hiệu hổ sắp xuất hiện, phải tạo ra âm thanh lớn để xua đuổi. Trước khi trời tối, mọi người đã có mặt đầy đủ ở nhà, hoàn tất công việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, rồi khóa chặt các loại cửa, tháo cầu thang lên xuống nhà sàn để hổ không thể tấn công vào nhà sàn. Muốn bảo vệ vật nuôi, cách tốt nhất là dựng chuồng trại kiên cố, xung quanh rào bằng các loại cây gai và đào hố để bẫy hổ hoặc đốt một đống lửa lớn.
Sau này, vùng Thẳm Thưa có thêm nhiều gia đình từ khắp nơi đến sinh sống, khai hoang đất đai phục vụ sản xuất, rừng cũng bị khai thác nhiều, nhất là gỗ lớn và gỗ quý. Vùng rừng núi Thẳm Thưa ngày một thu hẹp, bầy hổ cảm nhận được mối nguy hiểm và khu hang đá không còn là nơi “bất khả xâm phạm” của chúng. Vào cuối những năm 1970, người ta không còn thấy bóng dáng loài hổ xuất hiện ở vùng Thẳm Thưa nữa.
Ông Lương Văn Cò ở bản Tạng Què nhớ rằng, trước hôm hổ dời đi, bầu trời bỗng nhiên u ám, trong đêm bỗng xuất hiện một tiếng hổ gầm lớn, nghe xót xa, ai oán, trước đó, người dân trong vùng chưa ai nghe thấy tiếng gầm như vậy. Vào sáng hôm sau, người dân bàng hoàng phát hiện có một hòn đá giống mình hổ ngay bên cạnh gốc cây si cổ thụ bên đường; cách đó khoảng chục mét, cạnh con suối Nậm Luông có một tảng đá lớn in hình vết chân hổ. Từ đó, người dân nơi đây tin rằng đó là hòn đá “thần hổ” nên không dám chạm vào, hằng năm đều dâng lễ vật để cúng.
![]() |
Vết chân hổ in trên đá. |
Đổi thay vùng hổ dữ
Từ đỉnh núi Khau Rịa nhìn xuống, vùng đất giữa xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô có hàng chục ngôi nhà sàn san sát, cùng bạt ngàn nương ngô, rừng quế, mỡ… tạo thành bức tranh nông thôn mới nhiều màu sắc. Những “anh hùng đả hổ” thời kỳ mới đã và đang cùng nhau chung tay khai phá, biến khu rừng hoang sơ xưa kia trở thành hàng trăm ha đất để sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Trong ngôi nhà sàn khang trang với đầy đủ thiết bị tiện nghi, anh Lương Văn Dự, một người dân ở xóm Thẳm Thưa tươi cười cho biết, chắc đất ở đây được “ông hổ” phù hộ nên màu mỡ và tươi tốt lắm. Và không riêng gia đình anh Dự, còn nhiều gia đình khác cũng có cuộc sống đủ đầy hơn nhờ vùng đất Thẳm Thưa trù phú. Chia tay Thẳm Thưa sau một ngày khám phá, trong tôi lẩn quất mơ hồ hình ảnh về những “chúa sơn lâm” - một thứ sinh khí của vùng đất này.
- Du lịch tâm linh Lào Cai hút hàng vạn khách thập phương dịp đầu Xuân (03.03.2017)
- Lễ động thổ của người Tày Bảo Yên (16.02.2017)
- Phố Ràng vui hội đầu xuân (08.02.2017)
- Những lễ hội ở miền đất tâm linh (03.02.2017)
- Bảo Yên - miền du lịch tâm linh (03.02.2017)
- Câu chuyện kỳ lạ xung quanh “cây khế thần” trong phế tích thành cổ" (27.01.2017)
- ĐỀN PHÚC KHÁNH - THÀNH CỔ NGHỊ LANG (27.01.2017)