Nếu du khách có dịp đến thăm các xã như Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến, Xuân Hòa, Xuân Thượng hay Kim Sơn của huyện Bảo Yên thường được đi bên những con suối nhỏ ngày đêm chảy róc rách. Ở đó, người Tày thường đặt những cọn nước hay những guồng nước như những vòng quay lớn để lấy nước từ suối đưa vào đồng ruộng. Những cọn nước này không nhiều mà mỗi con suối, người ta chỉ đặt từ một đến hai chiếc là có thể mang dòng nước mát lành tưới cho cả cánh đồng. Hình ảnh chiếc cọn nước vì thế từ lâu đã trở thành đặc trưng của vùng quê Bảo Yên, một hình ảnh rất quen thuộc của xứ sở.

Cọn nước gắn bó từ lâu đời với người Tày, người Dao ở Bảo Yên, đồng thời, gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Cọn nước có tác dụng rất lớn trong việc tưới nước cho ruộng lúa tại các cánh đồng khi điều kiện tưới tiêu chưa đầy đủ như ngày nay. Từ xưa, đồng bào Tày còn sử dụng cọn nước như một công cụ để tạo ra cối giã gạo. Với nhịp quay chậm rãi, đều đều, mỗi lần nước đổ xuống từ vòng quay, chiếc chày giã gạo lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước. Cứ như thế, cả ngày, cối gạo sẽ được giã trắng. Một thời, đồng bào Tày ở Bảo Yên đã giã gạo bằng sự sáng tạo độc đáo như vậy.
Việc chế tạo cọn nước của người Tày ở Bảo Yên hết sức cầu kỳ và tỉ mỉ. Muốn tạo ra một bánh xe với vòng quay lớn, người ta phải làm cẩn thận từng công đoạn. Việc làm cọn nước được tiến hành ngay từ cuối hoặc đầu vụ cấy lúa để kịp đưa nước về đồng ruộng. Khi làm cọn nước, người Tày ở Bảo Yên thường chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng thấm nước tốt để làm trục giữa của cọn. Đồng thời, họ chọn những cây vầu già, thân thẳng, nhỏ làm nang cọn. Tùy kích thước của cọn mà quyết định số nang và độ dài ngắn của nang.
Thông thường, một chiếc cọn trung bình có từ 36-40 nang. Mỗi nang dài chừng 1m20 đến 1m50. Sau đó, người ta dùng thanh vầu hay thanh tre để đan cho cọn những tấm quạt xung quanh trục. Ở đầu mỗi nang được vót theo hình thon nhọn để dễ lấy nước và đổ nước xuống. Khi làm xong, người ta thường đặt cọn nước bên cạnh suối để vừa đảm bảo được vòng quay tròn và đưa nước lên ruộng đều đặn. Vào cuối vụ gặt, bà con sửa chữa lại những chiếc cọn nước để chuẩn bị lấy nước cho mùa sau. Nhờ những chiếc cọn nước, từ lâu, việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất của đồng bào các dân tộc ở Bảo Yên luôn được duy trì, đảm bảo.
Chiếc cọn nước trong tâm thức của đồng bào Tày, Dao ở Bảo Yên cũng như đối với du khách và những ai ham thích du lịch bản làng đã trở thành một hình ảnh khó quên. Hình ảnh những thiếu nữ Tày mặc áo chàm, ngồi giã gạo bên suối sau vụ gặt và chiếc cọn nước quay đều đều chính là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, yên ả trong các bản làng ở vùng quê Bảo Yên
ST: NTL
- Truyền nhân của kho báu người Tày (09.06.2016)
- Về Nghĩa Đô nghe câu cắm tặt (07.06.2016)
- Lễ mừng thọ của đồng bào Dao đỏ (06.06.2016)
- NHÀ CỦA NGƯỜI MÔNG Ở BẢO YÊN (06.06.2016)
- Giai thoại bên dòng Nậm Luông (05.06.2016)
- Độc đáo lễ đặt tên của người Dao đỏ ở Lào Cai (03.06.2016)
- Về Vĩnh Yên - Bảo Yên thưởng thức món cá chép nướng (03.06.2016)