Bảo Yên – Lào Cai – vùng đất có truyền thống văn hoá với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của Vùng miền núi Tây Bắc.
Nơi đây có nhiều Lễ hội trong năm, trong đó có Lễ hội chọi Trâu Bảo Hà, được tổ chức vào ngày thìn đầu năm và ngày 16/7 âm lịch hàng năm tại Làng Lúc xã Bảo Hà. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa xuất hiện từ lâu và riêng có ở Bảo Hà, là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh cuộc sống vật chất và tâm linh của một cộng đồng trong quá khứ.
Có thể nói, hội chọi trâu Bảo Hà là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam góp phần thúc đẩy du lịch Bảo Yên phát triển. Đồng thời quảng bá hình ảnh Thương hiệu “Trâu Quốc gia” của Huyện Bảo Yên.
Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Bảo Hà là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ cuối thời Nhà Lê.
Bản Lúc 1, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên là địa điểm cư trú của đồng bào Tày, nơi này thường được tổ chức các cuộc chọi trâu hàng năm vào dịp lễ hội đền Bảo Hà, tháng 7 âm lịch, hoặc lễ hội xuống đồng của người Tày vào dịp đầu năm, thu hút du khách nhiều miền đến tham dự chia vui, hưởng ứng không khí của ngày hội.
Tuy nhiên, để hiểu rõ thêm về cội nguồn của Hội chọi trâu ở đây, chúng tôi đưa ra một số chứng cứ khảo cứu nhằm giúp du khách và bạn đọc có thêm một cách nhìn tổng quan về giá trị khởi nguồn cũng như sức sống trường tồn của nó trong đời sống của đồng bào vùng Bảo Yên xưa nay.
Chuyện kể rằng vào cuối thời nhà Lê, danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy được cử lên vùng Tây Bắc để trấn ải biên cương đánh đuổi giặc phương Bắc tràn xuống xâm lược nước ta. Cùng với Ông có nhiều tướng sỹ giúp việc, người thì giúp Ông luyện tập kiếm võ, người thì giúp chỉ huy lương thảo, người thì cũng chia sẻ thao lược chiến trường… trong đó có một vị quan họ Lò, người dân tộc Tày ở Văn Bàn (không rõ tên và địa danh thôn xã cụ thể) cai quản việc sản xuất, dự trữ quân lương ở châu Văn Bàn, cung cấp cho quân sỹ của danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy.
Nhưng vào thời điểm đó giặc cướp vùng Vân Nam (Trung Quốc) luôn hoành hành, cướp phá nên việc sản xuất lương thực cũng như dự trữ quân lương được sơ tán qua sông sang đất Bảo Yên, trụ tại thôn bản Lúc 1, xã Bảo Hà hiên nay. Từ khi sơ tán về nơi này việc sản xuất lương thực và dự trữ lương thảo luôn được đảm bảo, chu cấp đầy đủ cho quân sỹ đánh giặc.Về sau, để tướng nhớ đến vị quan lương thảo này bà con người Tày ở đây đã lập ngôi đình để thờ ông, coi ông như vị thần Thành Hoàng của làng.
Theo phong tục truyền thống xưa của người Tày, vào dịp đầu Xuân dân làng tổ chức lễ hội xuống đồng (lồng tồng), để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trong nghi lễ cầu mùa này, dân làng tổ chức thi trâu cày để đánh giá vị trí của từng con trâu trong làng, đồng thời nghi thức thi cày còn mang giá trị phồn thực và biểu tượng: trâu khỏe lúa sẽ tốt, trâu khỏe mưa sẽ thuận, gió sẽ hòa, mùa màng sẽ bội thu, nhà nhà no ấm… Con trâu ở đây như là sự hội tụ của những ý niệm thiêng từ tinh hoa của trời đất để giúp con người có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Những con trâu to khỏe còn được dùng để vận chuyển quân lương nuôi quân sĩ chống giặc, sau mỗi trận đánh thắng lớn trâu còn được chọn ra thi đấu để động viên quân sỹ vui mừng chiến thắng. Con trâu chiến thắng trong cuộc chọi cũng được coi là sự tích tụ khí thiêng của trời đất, cho nên nó tự mang trong mình ý nghĩa của sức mạnh.
Vì vậy, danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy đã ra lệnh mổ con trâu chiến thắng trong cuộc chọi để khao quân sỹ, mỗi miếng thịt trâu hàm chứa sức mạnh trời đất ban cho, quân sỹ được hưởng thụ thịt trâu sẽ có thêm sức mạnh để chiến đấu, đánh thắng kẻ thù.
Với hai ý nghĩa đó cho nên một số năm trở lại đây (sau nhiều năm không thực hiện do nhiều nguyên nhân), hội chọi trâu đã được khôi phục như những giá trị nguyên gốc của một thời oanh liệt nơi biên cương do danh tướng Hoàng Bảy chỉ huy. Đến với lễ hội này, mỗi du khách cũng sẽ được tiếp thêm năng lượng thiêng để được khỏe mạnh và làm ăn phát đạt như sự thành công của những cuộc chiến đấu dành thắng lợi trước quân giặc xâm chiếm vùng Tây Bắc xưa kia.
Việc tổ chức chọi trâu hàng năm nhân dịp lễ hội đền Bảo Hà vào ngày giỗ của Ông Hoàng Bảy đã thu hút nhiều người dân địa phương trong khu vực cũng như các tỉnh bạn tham gia, vừa để góp vui, vừa mong muốn đạt được giải thưởng. Nhưng trên tất cả những giá trị thực đó chính là sự tri ân hướng về Ông Hoàng Bảy, tạ ơn Ông đã gây dựng nên vùng đất bình yên để giờ đây con cháu được hưởng hạnh phúc trong thanh bình…
Để có những ngày hội náo nức, người dân phải chuẩn bị rất công phu trong nhiều tháng trời. Theo người dân thì điều quan trọng bậc nhất là việc tìm và nuôi dưỡng trâu. Thông thường, sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu.
Một chủ trâu có nhiều năm kinh nghiệm cho biết: “Chọn trâu là một công việc cầu kỳ và tỷ mỉ, trâu đủ tiêu chuẩn phải là những con trâu đực khỏe mạnh, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương (nghĩa là phải gan lỳ). Thông thường, những chú trâu da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng)… là trâu gan.
Trâu phải có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng càng tốt. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ. Mặt trâu giống mặt ngựa là trâu chọi hay…”.
Vào hội, ai cũng náo nức, hồi hộp, chờ đợi… Khi hai “ông trâu” cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát… Cứ thế, hai trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo phấn khích vang dậy của hàng ngàn khán giả.
Kết thúc hội chọi trâu Bảo Hà khác với nhiều Lễ hội chọi trâu khác. Trâu nhất hàng tổng được phần thưởng không bị giết thịt mà được trở về với chủ tiếp tục luyện tập để sang năm thi đấu tiếp, rất nhân văn sâu sắc không như tập tục của các địa phương khác là các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt và bán với giá cao đã làm cho lễ hội chọi trâu trở nên thương mại hóa.
Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo vốn có, Lễ hội chọi trâu Bảo Hà dần đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương đến với Bảo Yên
Một số hình ảnh lễ hội chọi trâu Bảo Hà -2015












HTH - Nguyễn Ngọc
- Đồn Phố Ràng (26.05.2016)
- DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CĂN CỨ CÁCH MẠNG VIỆT TIẾN (26.05.2016)
- Chiến thắng Nghĩa Đô- Bảo Yên - Lao Cai (26.05.2016)
- VỀ VĨNH YÊN - NGHĨA ĐÔ THƯỞNG THỨC CƠM LAM (02.06.2016)
- Khám phá Thác Xa - Tân Tiến - Bảo Yên (01.06.2016)
- Hội cốm của người Tày ở Bảo Yên, Lào Cai (28.05.2016)
- Thưởng thức món (28.05.2016)