Huyền thoại về ngôi đền thiêng

Lịch sử ghi chép, vùng Bảo Hà xưa kia có vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) khắp vùng phủ Quy Hóa, nhất là châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn luôn bị giặc cướp phương Bắc tràn sang cướp phá.

Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách trấn thủ vùng biên ải, khởi binh dẹp loạn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ… Sau đó, Ông thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, đuổi quân giặc sang vùng Vân Nam, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa.

Sau khi giải phóng phủ Quy Hóa, ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ và đặc biệt là người "Nùng áo xanh" khai khẩn lập điền, lập ấp xây dựng quê hương.

Tuy nhiên, với âm mưu tái chiếm, giặc phương Bắc nhiều lần đưa quân tiến đánh vùng biên nước ta, ông Nguyễn Hoàng Bảy đã cùng quân, dân đã anh dũng chống trả. Song trong một trận chiến không cân sức với lực lượng của tên tướng giặc Tả Tủ Vàng Pẹt, ông Nguyễn Hoàng Bảy đã hi sinh. Xác ông bị bọn giặc ném xuống sông Hồng, trôi theo dòng về xuôi.

 Đền Bảo Hà (Đền ông Hoàng Bảy) tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Huyền thoại trong dân gian kể rằng kì lạ thay, xác của ông trôi đến đoạn sông thuộc khu vực Đền Bảo Hà ngày nay thì dừng lại. Lúc đó, trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết thành hình con ngựa lớn, từ thi thể ông phát ra ánh hào quang lộng lẫy, hồn ông từ từ rời khỏi xác và nhảy lên lưng ngựa bay vút đi. Sau đó, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Nhân dân trong vùng thấy vậy, biết Bảo Hà là vùng đất linh thiêng, linh hồn ông muốn được ngự tại vùng đất này, nên lập đền thờ ông Nguyễn Hoàng Bảy (Hoàng Bảy) tại đây.

Để ghi nhớ công lao của ông, các Vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt”. Đền thờ ông cũng được các Vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”. Đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông… tôn thờ ông là Nhân thần. Trong lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng hàng năm, đồng bào Tày đều cầu khấn ông phù hộ cho bản làng yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ cầu mùa của người Dao dọc sông Hồng cũng cầu khấn ông như một vị thần hiện trong tín ngưỡng dân gian.

Đặc biệt, trong các đền thờ Mẫu từ các tỉnh miền núi tới đồng bằng, thậm chí ở cả các đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng có tượng thờ ông. Tượng và linh hồn ông trong các điện thờ Mẫu sánh vai với các gương anh hùng cứu nước, đã được nhân dân tôn thờ, sùng bái như ông Hoàng Đôi là người Dao có công chống giặc ở Quảng Ninh, Ông Hoàng Lục là danh tướng của Trần Lực chém đầu tướng giặc Liễu Thăng ở Lạng Sơn…

Nhìn từ xa, Đền Bảo Hà vô cùng uy nghi, tĩnh mặc. Đền nằm giữa chốn thiên nhiên sơn thủy hữu tình, trên bến, dưới thuyền, bao quanh bởi những tán cây rừng. Đền tựa lưng vào núi, hướng mặt ra dòng sông Hồng như một vệ sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biên cương. 

 Tượng thờ Đức thánh Hoàng Bảy tại đền Bảo Hà.

Cảnh sắc xung quanh ngôi Đền Bảo Hà mang đậm nét đặc trưng không gian miền biên ải của Tổ quốc, nơi xưa kia diễn ra những cuộc chinh phục thiên nhiên của đồng bào các dân tộc thuở “khai thiên phá thạch”, lập sơn trang, công cuộc đánh đuổi thổ phỉ bảo vệ sự bình yên nơi biên giới cùng những câu chuyện về những chiến công của Thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy vừa gần gũi vừa linh thiêng.

Từ lâu, Đền Bảo Hà là một trong những địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái. Anh Vũ Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng Hoàng Thái Sơn, Hà Nội đã chia sẻ: “Đến thăm Đền Bảo Hà, tôi vô cùng xúc động, biết ơn công lao to lớn, đồng thời thương cảm trước cái chết bi tráng của ông Hoàng Bảy, một danh tướng hết lòng vì nước, vì dân. Ngôi đền tọa lạc ở vị trí rất đẹp, phía trước là dòng sông Hồng cuộn chảy mang dòng phù sa đỏ nặng bồi đắp cho đôi bờ trù phú. Đến nơi đây, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của Đền, giữa không gian linh thiêng nơi sơn cước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước càng dâng đầy trong trái tim tôi.”

Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của Đền Bảo Hà

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa,  Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Di tích Đền Bảo Hà có giá trị nhiều mặt. Trước hết là giá trị lịch sử, ngôi đền và danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy là biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đặc biệt là quá trình đấu tranh bảo vệ bờ cõi của đất nước. Truyền thuyết về ông Hoàng Bảy và sự hiện diện của ngôi đền biểu tượng cho hào khí và tinh thần đoàn kết một lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền biên viễn. Vì thế, có giá trị to lớn trong giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ.

Thứ hai là giá trị văn hóa, ngôi Đền có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống văn hóa của Nhân dân, bởi đó là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là chỗ dựa tinh thần của người dân và cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ, các dân tộc ở Bảo Hà.

Cuối cùng là giá trị kinh tế, ngày nay, Đền Bảo Hà là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của quốc gia. Hàng năm, hàng vạn du khách từ mọi miền Tổ quốc đến thăm nơi này, đã góp phần tạo nguồn thu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương”.

Từ năm 2016, Lễ hội truyền thống Đền Bảo Hà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chính lễ được tổ chức vào ngày 17/7 Âm lịch, kỷ niệm ngày giỗ của ông Hoàng Bảy.

 Lễ hội Đền Bảo Hà.

Hai năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, huyện Bảo Yên không có điều kiện tổ chức Lễ hội Đền Bảo Hà. Năm nay, dịch bệnh được khống chế, cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới nên huyện quyết định tổ chức Lễ hội Đền Bảo Hà với quy mô lễ hội cấp huyện.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Trưởng ban Quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên cho biết, năm nay, Lễ hội Đền Bảo Hà được tổ chức từ ngày 05/8/2022 đến hết ngày 14/8/2022 (tức từ ngày 8/7 - 17/7 năm Nhâm Dần). 

Các hoạt động chính trong Lễ hội rất phong phú như: Tổ chức Giải Tennis, Giải bóng đá  - Cúp Đền Bảo Hà; Giao lưu bóng chuyền hơi; Hội chợ thương mại, ẩm thực huyện Bảo Yên lần thứ I trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩn nông sản, ẩm thực; Lễ hội Quế huyện Bảo Yên lần thứ I; Hội diễn văn nghệ quần chúng xã Bảo Hà lần thứ XI; Giải cờ tướng Lễ hội Đền Bảo Hà lần thứ I; Hội thảo Kết nối phát triển du lịch tâm linh các di tích trên địa bàn huyện Bảo Yên, giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030; Lễ cầu an, thả đèn hoa đăng; Hội thi “Mâm lễ dâng Ông”; Lễ cúng khao quân; Dâng lễ của các đoàn đại biểu, các địa phương; Khánh thành mộ Ông Hoàng Bẩy; Chương trình Nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ hội; Lễ rước kiệu...

Để chuẩn bị tốt cho Lễ hội, từ tháng 11/2021, UBND huyện Bảo Yên tiến hành dự án tu sửa, nâng cấp các công trình tâm linh đã quá cũ, cải thiện hệ thống dịch vụ; xây dựng cổng, sân, tường bao quanh khu vực đền… với quy mô lớn.

Tới thăm Đền Bảo Hà trước những ngày lễ hội, anh Châu Văn Thái ở An Giang cũng như nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới khang trang của đền. Ban Sơn trang được xây mới, sân lễ hội, sân hành lễ được san ủi, tạo mặt bằng rộng rãi và lát toàn bộ bằng đá xẻ. Khu nhà đón tiếp, nhà làm việc của Ban quản lý Khu di tích được xây dựng mới khang trang, thuận tiện. Toàn bộ tường rào bao quanh đền được làm bằng đá xẻ vững chắc…

Anh Thái tin tưởng, sau khi được tu sửa, tôn tạo, đền Bảo Hà sẽ trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương khi tới huyện Bảo Yên nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Trưởng ban Quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của huyện, Đền Bảo Hà đã đặt mục tiêu “5 không”: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội…

Mục tiêu này tiếp tục được huyện Bảo Yên quán triệt trong dịp lễ hội năm nay. UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chuyên môn có phương án chỉnh trang, đảm bảo trật tự đô thị, các điều kiện về điện nước, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Lễ hội; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đổi tiền lẻ, viết sớ, các hoạt động xem quẻ, phán thẻ, bói toán,... tại khu vực tổ chức Lễ hội.

Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết thêm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 4 khâu đột phá, trong đó có phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng.

Đền Bảo Hà là trung tâm du lịch tâm linh của địa phương, cùng các di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Di tích Phố Ràng, đền Phúc Khánh, đền Cô Tân An… là những tiền đề quan trọng để địa phương tạo được trục kết nối giữa du lịch tâm linh vùng Bảo Hà với vùng du lịch sinh thái cộng đồng xã vùng cao Nghĩa Đô, nơi có hàng trăm nếp nhà sàn cổ cùng sự phong phú về vốn văn hóa bản sắc, phong tục tập quán và vốn ẩm thực độc đáo của đồng bào người Tày tại chỗ... Ở góc độ chiến lược, khi đã kiến tạo thành công trục kết nối tại địa phương sẽ tạo nền tảng để tạo ra sự kết nối vành đai du lịch vùng Đông Bắc - Tây Bắc

Việc tổ chức thành công Lễ hội Đền Bảo Hà năm 2022 là cơ hội để tạo thành chuỗi các hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, đồng thời tạo ấn tượng tốt đẹp và sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư và du khách về một Bảo Yên đang khát khao và quyết tâm phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc./.

 
Phương Liên - Đỗ Huyền  ( Báo ĐCSVN)